Trường hợp hưởng di sản thừa kế có phải trả nợ thay cho người để di sản hay không?
Trường hợp hưởng di sản thừa kế có phải trả nợ thay cho người để di sản không?
Ông tôi vừa qua đời, ông có lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho tôi, bà tôi đã mất trước ông và đã chia di sản thừa kế. Và các cô chú tôi đều trường thành, khi còn sống ông có mượn bà Hà nhà bên cạnh 5 triệu đồng. Vậy cho hỏi tôi phải trả nợ cho bà Hà không?
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 người hưởng di sản có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ của người để lại di sản để lại, cụ thể như sau;
"Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Như vậy, khi bạn được hưởng toàn bộ di sản mà ông bạn để lại thì bạn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả cho bà Hà 5 triệu đồng mà ông bạn đã vay. Việc thực hiện nghĩa vụ này trong phạm vi di sản bạn được hưởng.
Khai nhận di sản thừa kế là sổ tiết kiệm
Bố mẹ em có số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Bố em mất đột ngột không có di chúc. Mà bố mẹ em lại không chung hộ khẩu chỉ có em và chị gái. Em muốn biết giờ phải làm thủ tục như thế nào để khai nhận phần di sản bố mình để lại?
Trả lời:
Căn cứ Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác"
Vì bố bạn chết không để lại di chúc nên phần di sản sẽ được thừa kế theo pháp luật tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
..."
Như vậy, mẹ bạn, chị gái bạn và bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất được ưu tiên hưởng di sản của bố bạn để lại.
Có hai hình thức để nhận di sản thừa kế là:
- Thứ nhất, khai nhận di sản thừa kế theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng 2014: “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản."
- Thứ hai, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Công chứng 2014: “Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác."
Theo Khoản 4 Điều 57 Luật Công chứng 2014 “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản."
Để hưởng di sản là sổ tiết kiệm mà bố bạn để lại thì gia đình bạn nên tiến hành thủ tục rút sổ tiết kiệm của bố bạn khỏi ngân hàng.
Thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định phù hợp với các quy định về thừa kế tại Bộ Luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Chúng tôi sưu tầm về thủ tục rút sổ tiết kiệm trong trường hợp này để bạn tham khảo như sau:
- Công chứng văn bản khai nhận di sản hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
- Nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức công chứng. Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm các giấy tờ sau đây:
+ Phiếu yêu cầu công chứng khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản theo mẫu;
+ Dự thảo văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản (nếu có);
+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân chứng minh quan hệ giữa người để lai di sản và người được hưởng di sản
+ Bản sao giấy tờ về tài sản: sổ tiết kiệm …;
+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến sổ tiết kiệm.
+ Bản sao như nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
- Những người đồng thừa kế lập và ký văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản; hoặc có thể nhờ cơ quan công chứng soạn thảo theo mẫu.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Bố chồng chết không để lại di chúc, con dâu có được hưởng thừa kế không?
Chồng tôi là con trưởng, có một chị gái đã lấy chồng. Vợ chồng tôi có được thế chấp sổ đỏ đang đứng tên bố chồng tôi mà không cần sự đồng ý của mẹ chồng và chị cả không?
Trả lời: Căn cứ Điều 651 và 623 Bộ luật Dân sự 2015 về những người thừa kế theo pháp luật,theo đó hàng thừa kế thứ nhất gồm:
- vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước, ví dụ do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, nếu bố chồng bạn mất không để lại di chúc, di sản của ông (mảnh đất mang tên ông) sẽ được chia theo pháp luật cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất gồm có mẹ chồng bạn, chồng bạn và chị gái của chồng, ông, bà nội của chồng... (nếu còn sống).
Do mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng nên mẹ chồng bạn sẽ được hưởng một nửa, nửa còn lại chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau. Như vậy hiện tại nếu vợ, chồng bạn muốn thế chấp mảnh đất hay mẹ chồng bạn muốn bán mảnh đất này thì cần có sự đồng ý của những người đồng thừa kế còn lại.
Trường hợp các thành viên trong gia đình tự thỏa thuận được với nhau quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này thì các bên sẽ tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế rồi sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bình thường và thực hiện các quyền thế chấp, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án phân chia thừa kế đối với mảnh đất này thì các bên sẽ cần phải tuân thủ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án.
Bên cạnh đó tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
- Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
Trường hợp hết 30 năm kể từ ngày bố chồng bạn chết mà không có yêu cầu chia di sản thừa kế thì quyền sử dụng mảnh đất này sẽ thuộc về người đang quản lý nó.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.