Đừng để tù tội vì xiết nợ trái phép
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì “ Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Có thể thấy, Luật không ấn định cụ thể mức giá trị tài sản bị chiếm đoạt, miễn là có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản ( bất kể bao nhiêu) thì phạm vào tội cướp tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt ít hay nhiều không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự của người phạm tội mà chỉ có ý nghĩa về định khung hình phạt.
Theo lời trình bày của anh thì bà A có nợ con gái anh một số tiền công khoảng trên 20 triệu đồng. Quan hệ này là quan hệ dân sự, nếu bà A không chịu thực hiện trách nhiệm trả nợ, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của con gái anh thì con gái anh có quyền khởi kiện bà A ra tòa dân sự theo để yêu cầu bà A thực hiện nghĩa thanh toán theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên con gái anh đã có hành vi đưa hai người bạn đến nhà bà A đòi nợ, dẫn đến tranh chấp, xô xát, và con gái anh đã có hành vi dùng vũ lực – tát vào mặt bà A, sau đó cùng hai người bạn tự ý lấy đi tài sản trong gia đình bà. Mặc dù bà A không đồng ý để con gái anh cùng hai người bạn lấy tài sản của bà nhưng thực tế bà đã bị đánh và không thể một mình chống cự lại được hành vi vi phạm của cả ba người.
Từ thực tiễn vụ việc có thể thấy con gái anh đã có hành vi dùng vũ làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản như quy định tại Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự quy định về tội cướp tài sản.
Vì vậy, về mặt lý con gái anh có quyền đòi nợ nhưng trên phương diện pháp luật, hành vi của con gái anh đã có dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự. Việc Cơ quan công an tiến hành khởi tố, bắt giam con gái anh cùng hai người bạn cùng đi về tội cướp tài sản là có cơ sở pháp lý.
Hiện tại, Luật Sư Online khuyên anh nên trả lại cho bà A số tài sản mà con gái anh và hai người bạn đã lấy của bà để được Toà xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ Luật Hình Sự. Ngoài ra, trong thời gian con gái anh bị tạm giam, anh có thể liên hệ với cơ quan điều tra yêu cầu được áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh hoặc đặt tiền, tài sản có giá trị để bảo đảm theo quy định tại Điều 92, Điều 93 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự để con gái anh được tại ngoại trong thời gian chờ điều tra, xét xử.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.