Quyền được thừa kế quyền sử dụng đất do cha mẹ để lại.
Vấn đề thứ nhất: Bà ngoại của bạn mất vào năm 1999. Theo quy định tại điều 645 Bộ luật dân sự quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm, như vậy đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
Bạn trình bày “toàn bộ phần thuế nhà đất mẹ tôi đứng tên đóng tiền thuế cách nay đã mấy chục năm” nhưng không nói rõ đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa và nếu có thì ai đứng tên. Do đó, nếu đất này mẹ bạn đã đứng tên (do bà ngoại cho lúc còn sống) thì hiện tại nó là tài sản của mẹ bạn mà không cần phải làm thủ tục nhận thừa kế. Ngược lại, nếu đất hiện tại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã được cấp giấy chứng nhận và do bà ngoại bạn đứng tên thì muốn được sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mẹ bạn thì mẹ bạn phải làm thủ tục nhận thừa kế.
Bà ngoại bạn chết không để lại di chúc, cho nên di sản của bà ngoại bạn sẽ do những người thừa kế theo pháp luật của bà ngoại bạn thừa hưởng (gồm: cha mẹ của bà ngoại bạn (nếu còn sống), ông ngoại, các anh chị em của mẹ bạn).
Bạn nêu các anh chị em của mẹ bản đã có văn bản đồng ý để cho mẹ bạn hưởng toàn bộ di sản của bà ngoại để lại (nhưng không nói rõ thời điểm). Tuy nhiên có một người dì đã chết (không trình bày chết trước, chết cùng thời điểm, hay chết sau bà ngoại) và người chết này có hai người con ở nước ngoài. Nếu người này chết trước hoặc chết cùng thời điểm với bà ngoại bạn thì hai người con của người này sẽ là người thừa kế thế vị theo Điều 677 Bộ luật dân sự 2005: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống…”
Như vậy, mẹ bạn muốn làm thủ tục hưởng phần tài sản do bà ngoại bạn đề lại ngoài việc 05 người con đã thỏa thuận đồng ý để phần tài sản đó cho mẹ bạn thì cần phải có sự đồng ý của 02 người cháu ở nước ngoài.
Nếu được sự đồng ý của các đồng thừa kế thì trình tự, thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, Điều 129 Luật Đất đai năm 2003 quy định cụ thể như sau:
Điều 129. Trình tự, thủ tục đăng ký thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất
1. Việc nộp hồ sơ thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất được quy định như sau:
a) Hồ sơ thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại nông thôn thì nộp tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;
b) Hồ sơ thừa kế quyền sử dụng đất gồm di chúc hoặc biên bản phân chia thừa kế hoặc bản án, quyết định giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp người được nhận thừa kế là người duy nhất thì hồ sơ thừa kế gồm đơn đề nghị và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hồ sơ tặng cho quyền sử dụng đất gồm văn bản cam kết tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho hoặc quyết định của tổ chức tặng cho quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Văn bản cam kết tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc chứng nhận của công chứng nhà nước.
2. Trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp bên nhận quyền sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà nghĩa vụ tài chính đó được xác định theo số liệu địa chính thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thông báo cho bên nhận quyền sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, người nhận quyền sử dụng đất nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi đã nộp hồ sơ.
Vấn đề thứ hai: bạn hỏi 02 người cháu có liên quan đến vấn đề này hay không?
Như phân tích ở vấn đề thứ nhất, bạn cần xác định lại dữ kiện về thời gian để đối chiếu theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự nêu trên.
Vấn đề thứ ba: Nếu như một trong số những người còn lại không đồng ý để mẹ bạn thừa kế thì: Nếu tài sản này hiện nay mẹ bạn đang quản lý, sử dụng thì mẹ bạn tiếp tục quản lý, sử dụng, những người không đồng ý thì họ có quyền tranh chấp phần tài sản trên với mẹ bạn. (Nếu đất tranh chấp có các giấy tờ theo quy định tại khoản 1,2,5 Điều 50 Luật Đất đai thì thẩm quyết giải quyết thuộc Tòa án nhân dân, nếu không có giấy tờ theo quy định tại khoản 1,2,5 Điều 50 Luật Đất đai thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân).
Sau khi tranh chấp được giải quyết thì căn cứ vào kết quả giải quyết tranh chấp mà làm các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sử dụng đất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.