Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực môi trường
Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực môi trường được quy định tại Khoản 9 Điều 2 Nghị định 36/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể:
a) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ liên ngành, liên tỉnh, liên vùng, cấp quốc gia về bảo vệ môi trường, an ninh môi trường và các vấn đề môi trường xuyên biên giới sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
b) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chỉ tiêu quốc gia về môi trường, hệ thống chỉ tiêu thống kê môi trường theo quy định của pháp luật;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc lập, thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường; tổ chức lập, thẩm định, quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia theo quy định của pháp luật;
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đánh giá tác động môi trường chiến lược và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chuyên ngành; tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, thẩm định và phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định của pháp luật;
đ) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nguồn gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bao gồm cả khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy định của pháp luật; hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; lập danh mục các chế phẩm sinh học sử dụng trong phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và xử lý chất thải, danh mục các chế phẩm sinh học gây ô nhiễm môi trường bị cấm nhập khẩu, danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật;
e) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền công tác lập danh mục, xử lý triệt để, xác nhận việc hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách đối với các cơ sở công ích theo quy định của pháp luật;
g) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện quản lý chất thải theo quy định của pháp luật; thẩm định quy hoạch chất thải rắn do Bộ Xây dựng lập; hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;
h) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc quản lý chất lượng môi trường nước, đất, không khí, lưu vực sông, biển đảo, khu đô thị, nông thôn, khu dân cư, khu vực công cộng theo quy định của pháp luật;
i) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc điều tra, đánh giá, phân loại, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật;
k) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia; xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường quốc gia; quản lý chất lượng, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật; quản lý số liệu quan trắc môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường; công bố kết quả quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường;
l) Hướng dẫn, kiểm tra việc lập và công bố báo cáo hiện trạng môi trường; tổ chức lập, công bố báo cáo hiện trạng môi trường, báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia, công bố và cung cấp thông tin, dữ liệu về môi trường theo quy định của pháp luật;
m) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá công trình, thiết bị, mô hình và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải; hướng dẫn, kiểm tra công tác giám định môi trường theo quy định của pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng triển khai tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ môi trường; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, mô hình thử nghiệm về sản xuất và tiêu thụ bền vững, thân thiện môi trường;
n) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác đăng ký, xác nhận, cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề về môi trường theo quy định của pháp luật;
o) Hướng dẫn bộ, ngành, địa phương về chuyên môn, nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường; tổng hợp, cân đối nhu cầu kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm của các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng cơ chế kinh tế, tài chính cho bảo vệ môi trường, tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm, 03 năm và 05 năm thuộc lĩnh vực môi trường; theo dõi, giám sát tình hình thực hiện ngân sách thuộc lĩnh vực môi trường tại các bộ, ngành và địa phương;
p) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác xác định thiệt hại đối với môi trường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, bảo hiểm môi trường theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; hướng dẫn tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường của ngành, lĩnh vực, địa phương; làm cơ quan đầu mối quốc gia của Quỹ môi trường toàn cầu;
q) Chủ trì tổ chức đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế và tham gia tổ chức quốc tế về môi trường, huy động các nguồn lực quốc tế; tổ chức điều phối và thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế về môi trường theo phân công của Chính phủ;
r) Chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; xử lý, cải tạo và phục hồi các khu vực ô nhiễm tồn lưu khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực môi trường. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 36/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.