Thời hạn xử lý vật chứng theo quy định hiện hành
Chứng cứ theo Khoản 1 Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Chứng cứ được xác định dưới hình thức:
+ Vật chứng;
+ Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ,bị can, bị cáo;
+ Kết luận giám định;
+ Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.
Trong trường hợp này, tài sản khác (như điện thoại) được xác định là vật chứng. Việc thu thập vật chứng phải đảm bảo theo nguyên tắc quy định tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, và trình tự, thủ tục theo Chương XII Bộ luật tố tụng hình sự 2003:
+ Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
+ Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản.
+ Khi tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án khi khám xét phải được lập thành biên bản. Một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.
Như thế, trong trường hợp này của bạn, việc cơ quan điều tra khi tạm giữ tài sản và chứng minh nhân dân của bạn mà không lập biên bản là không đúng thủ tục. Bạn có quyền khiếu nại về vấn đề này đến thủ trưởng cơ quan điều tra nơi tạm giữ đồ vật, tài liệu của bạn.
Đối với việc xử lý vật chứng. Theo Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì:
Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
Với từng vật chứng cụ thể có những cách xử lý khác nhau:
+ Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thì bị tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy;
+ Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu công quỹ nhà nước;
+ Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản bị người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.
Như vậy, cơ quan điều tra trả lại tài sản cho bạn hay không phụ thuộc vào việc tài sản đó còn ảnh hưởng đến vụ án hay không, có rơi vào trường hợp bị tịch thu sung công quỹ nhà nước hay tiêu hủy hay không. Nếu không rơi vào trường hợp trên, cơ quan điều tra sẽ thực hiện trả lại tài sản cho bạn.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thời hạn xử lý vật chứng theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.