Thủ tục đăng ký tàu biển có thời hạn được quy định như thế nào?
Thủ tục đăng ký tàu biển có thời hạn được quy định tại Điều 11 Nghị định 161/2013/NĐ-CP về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển như sau:
1. Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển có thời hạn.
a) Thời hạn đăng ký của tàu biển được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký tàu biển tương ứng với thời hạn của hợp đồng thuê mua tàu hoặc hợp đồng thuê tàu trần hoặc theo đề nghị của chủ tàu.
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển có thời hạn được cấp 01 (một) bản chính theo Mẫu số 1 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ đăng ký tàu biển có thời hạn trong trường hợp chủ tàu là tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê mua tàu hoặc thuê tàu trần, bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký tàu biển theo Mẫu số 2 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận dung tích tàu biển (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
c) Giấy chứng nhận phân cấp tàu biển (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
d) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
đ) Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu biển (bản chính);
e) Hợp đồng thuê mua tàu hoặc hợp đồng thuê tàu trần (bản chính);
g) Biên bản bàn giao tàu (bản chính);
h) Chứng từ chứng minh đã nộp lệ phí trước bạ theo quy định, gồm tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế và chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bản sao kèm bản chính để đối chiếu). Trường hợp tàu biển là đối tượng không phải nộp lệ phí trước bạ thì nộp tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế (bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
i) Trường hợp chủ tàu là cá nhân còn phải nộp thêm giấy chứng minh nhân dân (bản sao kèm bản chính để đối chiếu) hoặc giấy chứng nhận nơi cư trú có xác nhận của công an cấp xã (bản chính).
3. Hồ sơ đăng ký tàu biển có thời hạn trong trường hợp chủ tàu là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, bao gồm các giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, đ, e, g và h Khoản 2 Điều này; giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) hoặc hộ chiếu (bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
4. Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp 01 (một) bộ hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến một trong các cơ quan đăng ký tàu biển khu vực.
5. Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ hợp lệ thì vào sổ theo dõi, cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đúng thời gian quy định;
b) Trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu chính, nếu hồ sơ không hợp lệ, chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký tàu biển khu vực hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;
c) Chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký tàu biển khu vực cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển và trả trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính; trường hợp không cấp giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
6. Chủ tàu nộp lệ phí đăng ký tàu biển theo quy định của Bộ Tài chính, nộp trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký tàu biển khu vực trước khi nhận kết quả; chịu toàn bộ chi phí gửi hồ sơ, văn bản và các chi phí liên quan đến chuyển khoản.
Trên đây là quy định về Thủ tục đăng ký tàu biển có thời hạn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 161/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.