Hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước được quy định như thế nào?
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 159/2016/NĐ-CP thì hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước được quy định như sau:
1. Chậm nhất là 5 ngày trước khi tiến hành một cuộc giám sát, Ban thanh tra nhân dân phải có kế hoạch gửi Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Kế hoạch phải nêu rõ nội dung, thời gian, địa điểm giám sát; nhân sự tham gia cuộc giám sát; kinh phí và điều kiện bảo đảm cho việc giám sát.
2. Trong quá trình thực hiện việc giám sát, Ban thanh tra nhân dân có quyền đề nghị người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.
3. Trường hợp phát hiện hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích chi, thu ngân sách và các khoản đóng góp, quỹ phúc lợi của cán bộ, công chức viên chức, người lao động và các hành vi vi phạm pháp luật khác thuộc phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân thì kiến nghị hoặc thông qua Ban chấp hành công đoàn cơ sở để kiến nghị với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trường hợp kiến nghị trực tiếp với người đứng đầu để xem xét, giải quyết thì Ban thanh tra nhân dân phải báo cáo với Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Ban thanh tra nhân dân. Trường hợp kiến nghị không được xem xét, giải quyết hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ban thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước xem xét, giải quyết, xử lý trách nhiệm. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên không xem xét, giải quyết thì Ban thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác xem xét, giải quyết, xử lý trách nhiệm.
Hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước được quy định tại Điều 31 Nghị định 159/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.