Quyền sở hữu tài sản không phụ thuộc vào hộ khẩu
Theo quy định của pháp luật về cư trú thì công dân có quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ đăng ký (hộ khẩu) thường trú hoặc tạm trú tại một địa điểm nhất định để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc quản lý nhà nước về cư trú. Về nguyên tắc, việc đăng ký hộ khẩu không có ý nghĩa trong việc xác định quyền sở hữu tài sản tại địa điểm đăng ký. Nói cách khác là quyền sở hữu tài sản của một công dân không phụ thuộc vào nơi người đó đăng ký hộ khẩu, một người đăng ký hộ khẩu ở một nơi nhưng có quyền sở hữu đối với nhiều tài sản ở các địa bàn khác nhau. Do vậy, với quy định trên thì mặc dù bạn chưa nhập hộ khẩu vào bên chồng nhưng những tài sản vợ chồng bạn tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân (kể cả những tài sản mà bạn không đứng tên) vẫn là tài sản chung vợ chồng. Bạn và chồng bạn đều có quyền sở hữu (gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt) ngang nhau đối với số tài sản đó. Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm: Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thỏa thuận”. Để hạn chế những tranh chấp không cần thiết trong việc xác định tài sản chung vợ chồng, pháp luật quy định trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Nếu khi ly hôn bên nào cho rằng một tài sản nào đó là tài sản riêng thì bên đó phải chứng minh, nếu không chứng minh được thì pháp luật mặc nhiên xác định tài sản đó là tài sản chung vợ chồng. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình thì về nguyên tắc khi ly hôn tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, tuy nhiên có xem xét đến hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Khi chia tài sản, tòa án sẽ xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của người vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.