Nhận biết tội đăng ký kết hôn trái pháp luật
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội đăng ký kết hôn trái pháp luật cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12,13 Bộ luật hình sự.
Về nguyên tắc người đủ 16 tuổi trở lên có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng, nhưng đối với tội đăng ký kết hôn trái pháp luật chỉ những người có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn mới có thể là chủ thể của tội phạm này, mà người có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn phải là công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước Việt Nam và những người này theo Hiến pháp phải là người từ 21 tuổi trở lên. Tuy nhiên, người từ đủ 16 đến dưới 21 tuổi có thể là chủ thể của tội phạm này nếu họ là đồng phạm.
2 Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội đăng ký kết hôn trái pháp luật là nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng. Việc đăng ký kết hôn trái pháp luật có thể xâm phạm đến toàn bộ nội dung của nguyên tắc này, nhưng cũng có thể chỉ xâm phạm một hoặc một vài nội dung của nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng. Ví dụ: đăng ký kết hôn cho người đang có vợ hoặc đang có chồng là xâm phạm đến chế độ một vợ, một chồng; đăng ký kết hôn cho người chưa đến tuổi đăng ký kết hôn là xâm phạm chế độ hôn nhân tiến bộ; đăng ký kết hôn cho người bị cưỡng ép kết hôn là xâm phạm đến chế độ hôn nhân tự nguyện…
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Để xác định hành vi đăng ký kết hôn có trái pháp luật hay không cần phải nghiên cứu các quy định của luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và việc đăng ký kết hôn .
Theo luật hôn nhân và gia đình thì nam nữ kết hôn phải tuân theo các điều kiện sau: nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn.
Theo luật hôn nhân và gia đình thì những người sau đây không được kết hôn: người đang có vợ hoặc đang có chồng; người mất năng lực hành vi dân sự; giữa những người cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con dể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; giữa những người cùng giới tính.
Theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan đai diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài mới có thẩm quyền đăng ký kết hôn .
Việc đăng ký kết hôn phải tiến hành theo thủ tục và nghi thức nhất định, cụ thể là:
Sau khi nhận đủ hồ sơ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về hộ tịch, cơ quan đăng ký kết hôn kiểm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; nếu xét thấy hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn tổ chức đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn bản; nếu người bị từ chối không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt của hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên.
Đăng ký kết hôn trái pháp luật là đăng ký kết hôn không đúng các quy định của luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, hành vi đăng ký kết hôn không đúng thủ tục, nhưng người xin đăng ký kết hôn có đủ điều kiện kết hôn thì người có hành vi đăng ký kết hôn không bị coi là tội phạm vì điều văn của điều luật quy định rõ: biết rõ là người xin đăng ký kết hôn không đủ điều kiện kết hôn mà vẫn đăng ký cho người đó. Mặc dù thủ tục đăng ký kết hôn không phải là dấu hiệu bắt buộc xác định hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật, nhưng để xác định hành vi đăng ký kết hôn có trái pháp luật hay không thì nhất thiết phải xem xét thủ tục đăng ký kết hôn có đúng không.
Thực tiễn xét xử cho thấy, người phạm tội đăng ký kết hôn trái pháp luật thường nại ra rằng họ bị người xin đăng ký kết hôn lừa dối nên mới đăng ký kết hôn cho họ, nhưng nếu người phạm tội đăng ký kết hôn thực hiện đúng thủ tục đăng ký kết hôn thì người xin đăng ký kết hôn không thể lừa được. Tuy nhiên, việc xem xét thủ tục đăng ký kết hôn là để đăng ký đánh giá hành vi, lời khai của người phạm tội, còn nếu thật sự họ bị lừa dối mà đăng ký kết hôn trái pháp luật thì hành vi của người đăng ký kết hôn cũng không cấu thành tội phạm này.
Hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.
Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần đăng ký kết hôn trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật, nay lại có hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật nhưng về hành vi khác không phải là hành vi trên thì cũng không cấu thành tội phạm.
b) Hậu quả
Hậu quả của hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật là những thiệt hại do hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật gây ra. Hậu quả này tùy thuộc vào hành vi cụ thể của phạm tội mà có thể gây ra những thiệt hại khác nhau như: do đăng ký kết hôn cho người đang có vợ hoặc đang có chồng nên dẫn đến hậu quả người có chồng hoặc người có vợ của người được đăng ký kết hôn trái pháp luật phải tốn công sức, tiền của hoặc tổn hại đến tinh thần, thậm chí có thể gây ra vụ án hình sự về hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản do đánh ghen…; do đăng ký kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn nên đã gây ra thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người vợ được đăng ký kết hôn trái pháp luật khi sinh đẻ (bị mổ đẻ, bị chết trong khi chưa đẻ)..
Nói chung, thiệt hại vật chất của hành vi đăng ký kết hôn chưa xảy ra ngay tức khắc sau khi người phạm tội thực hiện hành vi, nhưng thiệt hại phi vật chất thì có thể xảy ả ngay sau khi người phạm tội thực hiện hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật.
Hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nên chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật là tội phạm đã hoàn thành.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật là do cố ý (trực tiếp). Điều này được thể hiện ngay trong điều luật: “biết rõ là người xin đăng ký kết hôn không đủ điều kiện kết hôn mà vẫn đăng ký cho người đó”
Biết rõ là không có sự nghi ngờ, băn khoăn gì về người xin điều kiện kết hôn không đủ đăng ký kết hôn. Nếu người có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn còn băn khoăn, nghi ngờ nhưng vì nể nang hoặc thiếu trách nhiệm nên cứ đăng ký kết hôn cho người không đủ điều kiện kết hôn thì chưa phải là hành vi phạm tội đăng ký kết hôn trái pháp luật mà còn tùy thuộc vào hành vi cụ thể và hậu quả do hành vi đó gây ra mà người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.