Tung tin đồn, khiêu khích khủng bố trên Facebook phạm tội gì?

Gần đây, sau vụ khủng bố ngày 13-11 tại Thủ đô Paris (Pháp) trên một tài khoản Facebook có tên là Timur Zhunusov chuyên đăng hình ảnh liên quan đến IS, rất nhiều người dùng Việt Nam đã chia sẻ những comment (bình luận) với lời lẽ khiêu khích. Khi bị báo cáo vi phạm, tài khoản tên Timur Zhunusov đã bị xóa khỏi Facebook. Tuy nhiên, đã có nhiều người đã lập ra các trang mới, sao chép nguyên mẫu từ tài khoản cá nhân bị xóa. Sự việc trên đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Tuy nhiên, sau khi bị công kích và phải lâm vào trạng thái lo sợ pháp luật, chủ nhân tài khoản trên đã bất ngờ viết một status bằng tiếng Việt, thừa nhận mình lập ra trang của Timur Zhunusov chỉ để đùa giỡn cho vui. Vấn đề đặt ra là những người dùng mạng xã hội Facebook để khiêu khích, giả mạo và tung tin đồn thất thiệt gây bất ổn và hoang mang dư luận như trên đã vi phạm quy định nào của pháp luật Việt Nam?

 

Cùng với sự tiến bộ của khoa học thông tin là công nghệ và những phương tiện thông tin ngày càng tiên tiến, đặc biệt là từ khi internet ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng thông tin làm thay đổi cả thế giới. Internet có nhiều mặt tiến bộ khiến không một quốc gia nào muốn hội nhập với thế giới lại có thể từ chối nó. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, internet cũng mang trong nó rất nhiều mặt tiêu cực. 

Tham gia mạng internet, những kẻ xấu có thể ăn cắp, lừa đảo qua hệ thống ngân hàng, thương mại điện tử … ở những nơi cách chúng hàng nghìn km. Internet còn như một cái chợ thông tin tự phát, nhiều kẻ xấu, kẻ bệnh hoạn, gây rối và cả những bạn trẻ không nhận thức rõ được bản chất vấn đề có thể đăng tải rất nhiều thông tin thái quá, xuyên tạc sự thật. 

Lâu nay, việc lợi dụng và biến internet thành công cụ để khiêu khích, giả mạo và tung tin đồn thất thiệt gây bất ổn và hoang mang dư luận đã trở nên phổ biến. Ngoài lợi thế có thể giấu kín danh tính, xuất xứ, internet còn có một lợi thế rất quan trọng khác đó là có thể giao lưu một cách dễ dàng với hàng triệu bạn đọc qua chức năng phản hồi, tham gia bình luận. Tốc độ phát tán những thông tin này là ngay tức thì trên phạm vi toàn thế giới. 

Chỉ cần một thông tin bịa đặt, xuyên tạc hoặc một lời kêu gọi nào đó được phát tán trên các mạng xã hội lập tức nó tác động đến hàng triệu người, điều mà không một báo chí truyền thống nào có thể làm được. 

Tất nhiên, các thế lực xấu, các lực lượng thù địch, những cá nhân bất hảo về chính trị không bỏ qua những hiệu ứng tiêu cực này để thực hiện những mưu đồ thâm độc để phục vụ cho chiến lược diễn biến hòa bình, bạo động… tại các quốc gia khác nhau. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số người vì không nhận định được tính chất nguy hiểm của sự việc, tính nhạy cảm trong quan hệ chính trị giữa các quốc gia trên thế giới nên đã có những hành vi, lời nói, những câu bình luận bột phát trên mạng xã hội có thể đem lại những tác động tiêu cực cho người khác, thậm chí cho chính quốc gia, dân tộc mình. 

Tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định:

Điều 5. Các hành vi bị cấm

1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, tại Điều 266 Bộ luật Hình sự năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng quy định: 

Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;
c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Để hạn chế việc này, một mặt phải tiến hành các biện pháp điều tra xử lý nghiêm ngặt việc đăng tải những thông tin không đúng, những thông tin mang tính nhạy cảm làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị quốc gia, nhưng thông tin gây hoang mang dư luận, thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức. 

Mặt khác, về lâu dài phải tăng cường thông tin, tuyên truyền hơn nữa để toàn dân cảnh giác trước những âm mưu xấu, nâng cao nhận thức chính trị và thị hiếu lành mạnh trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin trên internet để mạng thông tin toàn cầu này tiếp tục phát triển, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân và sự nghiệp phát triển, hội nhập của đất nước. 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào