Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở

Lời nói đầu tôi xin kính chào quý Luật sư! Tôi xin trình bày cùng quý ngài sự việc của tôi như sau: Số là cha mẹ tôi có một căn nhà (mặt tiền QL22), căn nhà này do chính cha mẹ tôi đã mua lại từ năm 1962 và sinh sống tới bây giờ.  Năm 1995, cha mẹ tôi đã làm thủ tục xin hợp thức hóa căn nhà trên và được UBND TP ra quyết định số:.... giao đất cho gia đình, cùng thời điểm này UBND huyện Hóc Môn cũng ra QĐ cho phép HTH căn nhà trên.  Năm 1999, thực hiện chủ trương của nhà nước mở rộng QL 22, ba mẹ tôi đã nhận bồi hoàn và phá dỡ ngôi nhà để bàn giao mặt bằng cho nhà nước theo đúng quy định ( thời điểm này Thành phố không có chủ trương tái định cư cho những gia đình bị thiệt hại do mở đường ). Ba mẹ tôi xây lại căn nhà trên phần đất còn lại (20 m 2) và không kịp xin phép xây dựng (đa phần mọi người trên tuyến đường này đều không xin giấy phép XD, chỉ báo qua chính quyền địa phương và đồng loạt tiến hành làm) . Mãi đến năm nay, tôi tiến hành làm thủ tục xin cấp GCN QSDĐ ở, QSHN ở. Tôi làm thủ tục đo vẽ lại bản đồ hiện trạng ngôi nhà (chờ đợi 5 tháng). Khi có bản vẽ, tôi làm hồ sơ gởi đến VP ĐKQSDĐ (chờ 3 tháng, bổ sung đủ loại giấy tờ) và vừa rồi tôi có nhận được điện thoại từ VP ĐKQSDĐ với nội dung là: "đến để làm kê khai và cam kết, nếu giải thích hợp lý thì sẽ cấp giấy... trường hợp nhà bác chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn phần ngôi nhà thì không được công nhận do xây dựng không phép" .  Ở đây tôi xin hỏi quý Luật sư, trường hợp gia đình tôi như đã trình bày thì có được cấp giấy tờ nhà đất hay không? Nếu đã đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi (phần diện tích còn lại sau khi mở đường) thì tại sao không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (thừa nhận) ngôi nhà của chúng tôi đang sinh sống. Nếu như đúng như lời giải thích của VP ĐKQSDĐ thì họ căn cứ vào cơ sở pháp lý ở đâu? ở khoản nào? điều nào? của luật gì? hay NĐ nào? 

Điều 8, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, thì chủ sở hữu nhà ở được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nếu thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở. Đối với cá nhân, hộ gia đình trong nước thì giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở là một trong các loại giấy tờ sau:

- Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05.07.1994 của Chính phủ ngày 05.07.1994;

- Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;

- Giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26.11.2003 của Quốc hội khóa XI, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02.04.2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định tại Điều 93 của Luật Nhà ở. Trường hợp nhà ở do mua của doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở do hai bên ký kết; Trường hợp mua nhà kể từ ngày 01/07/2006, thì ngoài hợp đồng mua bán nhà ở, bên bán nhà ở còn phải có một trong các giấy tờ về dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán;

- Bản án hoặc quyết định của TAND hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.

- Người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong năm trong những giấy tờ quy định ở phần trên, nhưng giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ về nhận chuyển nhượng nhà ở trước ngày 01/07/2006 có chữ ký của các bên và phải được UBND cấp xã xác nhận; trường hợp nhà ở nhận chuyển nhượng trước ngày 01/07/2006 mà không có giấy tờ về việc đã nhận chuyển nhượng nhà ở có chữ ký của các bên thì phải được UBND cấp xã xác nhận về chuyển nhượng;

- Cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định nêu ở phần trên thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở đã được xây dựng trước ngày 01/07/2006, nhà ở không có tranh chấp, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch; trường hợp nhà ở xây dựng từ ngày 01/07/2006 thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng, không có tranh chấp và đáp ứng điều kiện về quy hoạch.

          Như vậy, nếu ngôi nhà của gia đình bạn thuộc một trong các điều kiện nêu trên thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật. Nếu nhà ở của gia đình bạn không thuộc một trong các trường hợp trên thì chỉ có thể được công nhận quyền sử dụng đất mà không được công nhận quyền sở hữu nhà ở.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào