Quyền bào chữa trong vụ án hình sự
Theo qui định của pháp luật Việt Nam hiện nay, trong một vụ án hình sự, nếu bị can bị cáo là người chưa thành niên, hoặc phạm vào những tội bị truy tố đến mức hình phạt cao nhất là chung thân hay tử hình - bắt buộc phải có luật sư. Trường hợp này, nếu bị can bị cáo không tự mình mời/thuê luật sư thì cũng sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Đoàn luật sư cử luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo.
Người luật sư khi tham gia vào một vụ án hình sự, làm nhiệm vụ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo được gọi là “người bào chữa”.
Thực ta, theo điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bào chữa có thể là: Luật sư; Người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo hoặc “bào chữa viên nhân dân”. Tuy nhiên, chủ yếu (nếu không muốn nói là tuyệt đối) vẫn là luật sư.
Theo qui định, một luật sư có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều luật sư có thể bào chữa cho một người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Chính vì qui định này, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có những bị cáo tại tòa có nhiều luật sư bào chữa cho mình.
Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Người bào chữa có quyền:
a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
b) Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can;
c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;
d) Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác;
đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam;
g) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật;
h) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà;
i) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
k) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Người bào chữa có nghĩa vụ:
a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì người bào chữa có trách nhiệm giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
b) Giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
c) Không được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận bào chữa, nếu không có lý do chính đáng;
d) Tôn trọng sự thật và pháp luật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;
đ) Có mặt theo giấy triệu tập của Toà án;
e) Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.